Từ bỏ thói quen xấu, duy trì sức khỏe xương khớp

 Đối với cơ thể sống, xương khớp không chỉ đóng một vai trò quan trọng giúp bảo vệ các cơ quan bên trong mà còn giữ chức năng vận động và duy trì sự sống. Vì thế, việc bảo vệ sức khỏe xương khớp rất cần được lưu tâm.

Các thói quen xấu gây hại xương khớp

Theo các thông kê y tế, độ tuổi mắc bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa, nhiều người chỉ mới 25-26 tuổi đã mắc thoái hóa khớp gối, cổ và cột sống.  Lý do là bởi nhiều người vẫn duy trì các thói quen xấu gây hại đến sức khỏe xương khớp hàng ngày mà không hề hay biết. Chính các thói quen tưởng chừng như vô hại này là một trong những nguyên nhân gây gia tăng các bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, bệnh gout,… 

Thói quen sinh hoạt: Các hoạt động hàng ngày tác động rất nhiều đến cơ thể mỗi người, thế nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Hàng ngày, mọi người vẫn vô tình tác động xấu đến sức khỏe xương khớp như việc bẻ ngón tay hoặc vặn lưng, vặn cổ quá mức. Việc thực hiện các động tác trên đã làm cho các đốt sống, các khớp xương phải vận động một cách nhanh và quá mức dẫn tới các sụn khớp và các dây chằng xung quanh khớp bị ảnh hưởng. Nếu bạn thực hiện các động tác trên lâu ngày có thể gây thoái hóa, biến dạng hoặc to khớp và tổn thương dây chằng. Nghiêm trọng hơn có thể gây thoát vị đĩa đệm và chèn ép lên các dây thần kinh.

Đeo giày cao gót: Khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót chân sẽ bị căng, giãn quá mức, gây đau và nhức mỏi. Khi các nhóm cơ làm việc quá tải, sẽ bị yếu đi, không giữ vững được các cấu trúc của cột sống, khớp gối, cổ chân, dễ gây chấn thương do té ngã và tổn hại đến hệ khớp. Do đó, bạn nên hạn chế đi giày cao gót khi không cần thiết.

Ngồi quá lâu, ngồi xổm, ngồi chéo chân: Ngồi quá lâu làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống khiến chúng ta khom lưng và cúi ra trước, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống dễ làm tổn thương các đốt sống cổ. Ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân gây áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi gây thoái hóa khớp chè đùi do cơ ở phần đùi và gân bánh chè chèn ép xương bánh chè trượt trên xương đùi.

Thói quen lười vận động là một trong những thói quen xấu gây hại cho hệ xương khớp và dẫn đến hàng loạt các bệnh như tim mạch, tiểu đường, béo phì, đặc biệt là các bệnh về cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống và nhiều bệnh lý khác.

Thiếu dinh dưỡng: Ăn không đủ chất khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng xương khớp. Ngược lại nếu ăn quá nhiều các chất đường, chất béo dễ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, làm hệ xương khớp phải chịu sức nặng nhiều hơn để chống đỡ cơ thể.

Giảm cân quá nhanh: Nhiều người vì sợ béo mà giảm cân quá nhanh, việc giảm cân đột ngột này gây hạn chế quá trình hấp thụ canxi ở xương, đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến sự liên kết giữa mỡ và bắp thịt trở nên lỏng lẻo, dễ mắc các bệnh loãng xương. Vì vậy để bảo vệ một hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống, tập luyện và thói quen thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ.

Các biện pháp giúp tăng cường sức khỏe xương khớp

Duy trì sức khỏe xương khớp là rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn già đi, sức khỏe suy giảm dễ dẫn đến tình trạng viêm xương khớp.



Giữ cân nặng khỏe mạnh: Tăng cân tạo thêm áp lực lên các khớp vốn bị ăn mòn khi bạn già đi. Duy trì trọng lượng khỏe mạnh giúp loại bỏ áp lực không mong muốn lên các khớp xương và giữ khớp khỏe mạnh hơn, đồng thời giảm tổn thương gây ra cho sụn.

Tập thể dục thường xuyên: Bạn có biết để duy trì sức khỏe cơ bắp và giữ cho xương khớp khỏe mạnh, bạn cần chăm duỗi chân tay và vận động? Một nghiên cứu cho thấy nếu bị đau khớp, bạn nên tập thể dục nhịp điệu vì cách này giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện nguồn cung cấp máu của cơ thể cũng như sức khỏe sụn.

Củng cố cơ bắp xung quanh khớp: Các cơ này giúp hỗ trợ các khớp xương. Việc tập luyện thể dục để tăng cơ cần có huấn luyện viên hoặc chuyên gia hướng dẫn và giúp đỡ bạn.

Ăn thực phẩm kháng viêm: Khớp bị viêm thường đau, cứng, sưng đỏ xung quanh. Một cách tự nhiên khi bị đau khớp là bổ sung các loại thực phẩm kháng viêm trong chế độ ăn uống như nghệ, gừng, cà chua, quả óc chó, hạnh nhân, cải bó xôi, quả mọng, cá béo…

Hạn chế ăn mặn: Hãy đảo đảm rằng bạn không ăn quá nhiều muối vì dễ làm cho xương yếu và dễ bị gãy xương. Nạp đủ thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa trong chế độ ăn uống, vì chúng rất quan trọng đối với sức khỏe của xương.

Mát xa khớp: Khi khớp bị cứng, chúng dễ bị đau nhức. Cách đơn giản để loại bỏ cơn đau là xoa bóp các khớp thường xuyên. Thoa dầu (loại bôi cơ thể) lên vùng khớp và nhẹ nhàng xoa bóp, cơn đau sẽ tan đi và bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Kiến thức