Phát hiện dầu loang từ sớm nhưng Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không báo cáo sự việc mà tự tăng hóa chất xử lý nước. Đây là nguyên nhân khiến người dân sử dụng nước có mùi nồng nặc.
- Thiết bị vệ sinh đẹp nên chọn mua ở đâu ?
- Vì sao nên chọn vòi lavabo viglacera VG114
- Mua két sắt giá rẻ tại TPHCM
Người vớt dầu bị dị ứng, buồn nôn
Liên tục trong 2 ngày 13, 14/10, PV Tiền Phong có mặt ghi nhận tại khu vực suối Trâm (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), vết dầu đen gần như đã hết, nước trở lại bình thường, tuy nhiên mùi khét như cao su cháy thì vẫn còn. Dọc suối, đại diện cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, gồm: Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Công an tỉnh… có mặt rất đông để kiểm tra nguồn nước và dấu vết còn lại ở hiện trường. Cơ quan chức năng cũng có mặt tại trang trại nhà anh L - người mà trước đó phản ánh với PV Tiền Phong về việc chết 7 tạ cá, thiệt hại gần 70 triệu đồng để xác minh vụ việc.
Ông T (thôn Vật Lại) kể lại, vài ngày trước Cty nước có thuê ông và một số người dân đi dọn dẹp quanh suối. Khi đến gần suối thì mùi khét lẹt bốc lên khiến nhiều người buồn nôn. Cty thuê mỗi người với giá 400 ngàn đồng/ngày để vớt chỗ váng dầu nói trên. Sau đó, nhiều người bị dị ứng, găng tay bở nát, quần áo giặt không hết mùi khét. “Cty đưa ra mức giá 500 ngàn đồng/ngày thì chúng tôi mới tiếp tục làm công việc độc hại này”, ông T. nói.
Bà Đinh Thị Lý (xã Phú Minh) người tham gia vớt dầu cho biết, khi vào đến nơi thấy bãi dầu rộng, đặc xịt. “Chúng tôi lấy dao liềm phát hai bên bờ suối để vớt dầu. Dầu được cho vào can, bốc đi”, bà Lý nói.
Ghi nhận đến chiều tối qua, tại cuối suối Châm, bất ngờ có nước xả từ nhà máy ra đen kịt dòng suối, chia dòng suối thành 2 màu đen và vàng. Anh B (40 tuổi) cho biết, cả chục năm sống ở đây, chưa từng nhìn thấy nước xả đen kịt như vậy. Nước đen từ ống xả của bể lắng nhà máy nước sạch sông Đà ngay gần đó.
Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn), ông Nguyễn Văn Dũng xác nhận: Ngày 10/10, xã đi kiểm tra phát hiện vết dầu loang ở gần chân dốc con suối Khại, đoạn chạy qua địa bàn xã Phúc Tiến. Vết dầu loang một vệt dài. Vụ việc được chính quyền địa phương báo cáo lên huyện, tỉnh.
Theo ông Dũng, con suối Khại cách nhà máy nước sạch sông Đà khoảng 1km. Nước từ con suối này chảy thẳng vào hồ Đầm Bài, nơi nhà máy lấy nước xử lý và cung cấp cho người dân.
Lấp liếm sự việc?
Sự việc xảy ra gần 1 tuần nhưng đến sáng 14/10, Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo Cty cho hướng xử lý.
Sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên Cty buộc phải giảm áp để duy trì cấp nước.
Về việc xử lý váng dầu, Cty đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tốn, Cty đã tiến hành bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý, cũng như tăng hóa chất xử lý trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.
“Để tìm nguyên nhân xuất hiện váng dầu, Cty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông báo với công an xã, chính quyền địa phương, công an huyện để điều tra, làm rõ”, báo cáo nêu.
Thực tế, từ ngày 13/10, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, PV Tiền Phong liên hệ với Ban lãnh đạo Viwasupco để chia sẻ một số hình ảnh, video clip ghi lại cảnh có vết dầu loang tại đầu nguồn nước nhà máy sông Đà. Thế nhưng, phản hồi lại thông tin này, lãnh đạo Viwasupco khẳng định: “Nhầm lẫn, không phải vị trí gần nhà máy”. Đến khi mọi thông tin được xác minh và công khai lên mặt báo thì Viwasupco mới cấp tập làm văn bản báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về sự cố dầu thải đầu nguồn nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, lãnh đạo Viwasupco vẫn khẳng định: Chúng tôi không giấu giếm gì và đang nỗ lực khắc phục sự cố. Về việc chậm báo cáo sự cố, đơn vị này cho rằng do đoàn liên ngành yêu cầu báo cáo nên thời điểm này mới làm. Trả lời câu hỏi của PV nếu nước không đảm bảo chất lượng, Cty có bồi thường thiệt hại cho khách hàng hay không? Đại diện Viwasupco nói: “Chưa tính tới phương án đó, bởi chúng tôi là bán buôn tới các Cty nước sạch rồi các Cty này mới bán lẻ cho người dân”.
Ngoài sự thiếu trách nhiệm của Viwasupco, một lần nữa các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội lại khiến hàng vạn cư dân thất vọng. Nhiều ban quản lý khu chung cư phải ra văn bản thông báo về chất lượng nước tới cư dân. Một số ban quản lý nhà chung cư đã tự đưa mẫu nước đi xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Ngay cả đơn vị mua nước của Viwasupco như Cty Viwaco cũng tỏ ra bức xúc khi liên tục gửi văn bản tới Viwasupco, Sở Xây dựng nhưng chỉ nhận được những phản hồi không rõ ràng?
Tất cả những gì Hà Nội làm trong 5 ngày qua kể từ khi người dân phát hiện sự cố là cử một đoàn liên ngành đánh giá chất lượng nước sông Đà. Tuy nhiên cũng không hề đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Giải pháp xử lý nước bốc mùi đã bán cho người dân ra sao?