Tết đến - xuân về là thời khắc mà người người, nhà nhà nô nức, tất bật chuẩn bị "làm mới" cho bản thân và gia đình. Đương nhiên không khí xuân rộn ràng sẽ dễ khiến mọi người choáng ngợp và loay hoay rằng, liệu mình phải mua những món đồ nào, và mua như thế nào mới là đủ. Thấu hiểu được tâm tư của mọi người nên hôm nay.
Quà biếu hai bên gia đình
Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, mỗi chúng ta đã bắt đầu tìm những thức quà Tết thiết thực và đầy ý nghĩa dành tặng bố mẹ nội ngoại hai bên.
Đối với những người đã lập gia đình riêng thì Tết là dịp tri ân không thể bỏ qua. Bạn cũng nên chăm chút cho hai bên gia đình, để ý xem các vật dụng trong gia đình còn thiếu thứ gì không? Có cần sửa chữa hay thay thế thứ gì không? Nếu thu nhập của vợ chồng bạn tương đối ổn, bạn có thể mua tặng bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ cái lò vi sóng mới, cái tủ lạnh mới, bình nóng lạnh mới hoặc một chiếc tivi mới...
Những vật dụng này không những là món quà Tết thiết thực cho bố mẹ và nó còn là có giá trị tinh thần rất lớn. Nó vừa thể hiện lòng tri ân, vừa khẳng định trách nhiệm của bạn lại thể hiện sự quan tâm đặc biệt của bạn dành cho gia đình.
Hoa Tết
Hương vị Tết sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn nếu trong nhà bạn thiếu mất sắc vàng của một nhành mai, hay màu hồng dịu nhẹ của những cành đào. Vậy nên hoa mai, hoa đào nghiễm nhiên trở thành món hàng được ưu tiên số một cần sắm sửa vào dịp Tết. Ngoài công dụng để chưng Tết, hai loại hoa này còn là một biểu tượng cho mùa Tết cổ truyền của Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến - xuân về, đi ngang nhà nào cũng thấy những cánh mai vàng rực, những cánh đào đỏ thắm đang kiêu hãnh khoe sắc như tự xưng với đất trời rằng mình chính là "bà chúa" của mùa xuân.
Bên cạnh mai, đào, nhiều gia đình cũng sắm sửa thêm cho mình một vài chậu hoa vạn thọ, cúc, hoặc một cây hạnh chẳng hạn. Tất cả những màu sắc sặc sỡ cùng với ý nghĩa tên gọi của các loài hoa, loài cây sẽ mang đến cho tổ ấm của mọi người một không khí rất xuân cho xem.
Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét
Bánh chưng, bánh giầy là hai loại bánh truyền thống vào dịp Tết của các vùng xứ Bắc. Giống như hoa mai, hoa đào, ngày Tết sẽ không đủ đầy nếu thiếu vắng sự xuất hiện của hai loại bánh này. Chính vì lý do ấy mà bánh chưng, bánh giầy cũng là một trong những món hàng cần sắm nhất vào dịp Tết.
Tuy nhiên, ở miền Nam, người ta lại ít khi dùng bánh chưng, bánh giầy để chưng Tết mà thay vào đó là một loại bánh vô cùng gần gũi với người dân Nam Bộ - bánh tét. Sự có mặt của bánh tét trong mỗi gia đình ở phương Nam từ lâu đã trở thành một phong tục, tập quán khó có thể thay đổi được. Do đó các cô bác ở Nam Bộ thường chuẩn bị bánh tét cho mùa Tết trọng đại của năm.
Mâm ngũ quả
Một trong những món hàng cần sắm nhất vào dịp Tết mà Toplist muốn giới thiệu tiếp theo đó chính là mâm ngũ quả. Người Việt Nam từ lâu đời đã có truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên. Vậy nên một mâm ngũ quả đặt giữa bàn thờ trong ngày Tết là không thể thiếu. Mâm ngũ quả thường bao gồm 5 loại quả phổ biến: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Sỡ dĩ người ta thường chỉ chọn 5 loại này là bởi vì dân gian thường hay đọc "chạy" tên gọi của chúng thành một lời cầu chúc cho năm mới: cầu (mãng cầu) vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài) sung túc (sung).
Ngày nay, ngoài 5 loại quả truyền thống trên, nhiều gia đình cũng chọn thêm cho mình nhiều trái cây khác như quýt, bưởi, táo, thơm...để tô điểm thêm những sắc màu phong phú cho bàn thờ tổ tiên của họ.
Trà, mứt
Thói quen nhâm nhi một tách trà cùng với bánh mứt vào buổi sáng đầu xuân từ lâu đã trở thành một phong tục quen thuộc trong đại đa số gia đình Việt mỗi dịp Tết đến. Chính vì lẽ đó mà trà mứt cũng được liệt kê vào danh sách những sản phẩm cần sắm nhất vào dịp Tết.
Bên cạnh đó, Tết cũng là dịp để họ hàng, bà con đến nhà thăm chúc và họp mặt lẫn nhau, "bà con đến thăm nhà, không trà thì mứt" - câu nói cửa miệng đã in sâu vào tâm thức mỗi người dân qua bao đời, vì thế mà trà mứt cũng là ưu tiên số một để "đãi khách" khi họ ghé ngang.
Bao lì xì
Phong tục lì xì đầu năm là một nét văn hóa đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam. Sáng mồng một, ba mẹ hoặc những người lớn trong gia đình sẽ trao cho mỗi đứa trẻ một phong bao lì xì màu đỏ với một ít "tiền may mắn" bên trong. Họ hy vọng rằng điều này có thể giúp những đứa bé học tập tốt hơn và mạnh khỏe hơn trong năm mới.
Ngược lại, khi nhận được phong bao đỏ thắm thì các em nhỏ sẽ phải gửi những lời chúc sức khỏe, chúc bình an đến cho người vừa lì xì cho mình - coi như trả lễ. Chính vì lẽ đó mà bao lì xì giữ một vị trí hết sức quan trọng trong ngày Tết, vậy nên tất nhiên rằng đây là một trong những món hàng cần sắm nhất vào dịp đầu năm rồi!
Quần áo mới
Tết là thời khắc mà mọi người muốn "làm mới" bản thân mình nhiều nhất. Bởi vì chúng ta thường quan niệm rằng, năm cũ ứng với những điều cũ, còn năm mới thì sẽ đi cùng những thứ mới mẻ, tinh khôi. Chính vì lẽ đó nên năm nào cũng vậy, hễ gần đến Tết Nguyên Đán là người người, nhà nhà lại nô nức kéo nhau đi sắm sửa quần áo mới, do vậy mà quần áo mới cũng là một trong những món hàng quan trọng cần sắm nhất trong dịp Tết.
Quần áo mới tuy chỉ là một vài món hàng, nhưng nó dường như lại chứa đựng giá trị tinh thần của mỗi con người trong ngày đầu xuân. Bởi khi ta khoác lên mình một bộ trang phục mới, điều đó chứng tỏ rằng ta vô cùng hân hoan, vô cùng háo hức và vô cùng sẵn sàng để tận hưởng một mùa xuân trọn vẹn và đủ đầy bên gia đình, người thân.
Dưa hấu
Tết không thể thiếu bánh chưng xanh, cành mai vàng, cành đào tươi, nên cũng không thể nào thiếu vắng dưa hấu đỏ. Ngày trước, mỗi dịp xuân về, nhà nào cũng phải có ít nhất một cặp dưa chưng Tết thật to, thật đẹp trên bàn thờ cửu huyền.
Tuy rằng hiện nay, phong tục chưng dưa ngày Tết đã mai một phần nào, nhưng mọi người hầu như đều xem dưa hấu là một món hàng cần sắm trong dịp Tết. Bởi có lẽ vì dưa hấu là một loại trái cây rất dễ ăn, lại ngọt và nhiều nước nên vô cùng được lòng bà con dù là sống ở đô thị lớn hay ở các vùng quê hẻo lánh.
Bên cạnh đó, chính sắc đỏ của những quả dưa hấu căng tròn cũng làm lòng người ngày xuân thêm rộn ràng, náo nức. Do vậy mà dù rằng tục lệ chưng dưa đã không còn phổ biến, nhưng các chị em nhà dưa vẫn không hề giảm độ "hot" của mình.
Bánh kẹo ngày Tết
Bánh kẹo ngày Tết là những thứ chắc chắn không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Có lẽ chỉ mỗi dịp Tết đến xuân về thì khay mứt Tết lại trở nên ngọt ngào, ý nghĩa và đẹp mắt đến vậy. Vào ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng bày trên bàn khách đủ các loại bánh, mứt, kẹo Tết,…
Trước là để đãi khách đến chơi, sau là để cả nhà cùng quây quần bên nhau thưởng thức. Nhiều loại mứt được bày trên cùng 1 khay còn có ý nghĩa mong muốn sự hòa hợp, sum họp đoàn viên, ngoài ra, việc bày khay mứt tết luôn phải có đầy đủ quất, gừng, táo, lạc,..tương ứng với các vị chua, cay, ngọt, bùi đặc trưng cho hương vị cuộc sống thể hiện qua khí trời của bốn mùa trong một năm vậy. Đây cũng là một nét văn hóa ngày Tết của dân tộc.
Các loại hạt ngày Tết
Nhâm nhi các loại hạt, mứt là một thú vui của người Việt Nam vào những ngày Tết đến. Một số hạt phổ biến như: hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương... là một phần không thể thiếu trong mâm banh, mứt vào những ngày Tết. Bên cạnh hoa quả và bánh kẹo, các loại hạt tốt cho sức khỏe sẽ khiến câu chuyện ngày Tết trở nên thi vị hơn hẳn khi nhâm nhi cùng tách trà nóng.
Được xem như là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền của người Việt Nam, các loại hạt không chỉ là những món ăn vặt dành cho cả gia đình nhâm nhi bên chén trà nóng mà còn là món quà ngày Tết chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Mua sắm thực phẩm trong ngày Tết là vấn đề khiến các bà nội trợ phải đau đầu nhất. Trong những ngày Tết, các siêu thị, cửa hàng, chợ lớn nhỏ đều đóng cửa nên các chị em cần phải sắm sửa, mua thực phẩm trước Tết rồi bảo quản ăn dần.
Trước Tết khoảng 1 tháng, bạn nên mua các loại đồ khô như nấm hương, miến, mộc nhĩ vì đây là những thực phẩm dễ bảo quản, đến cận Tết bạn mua thêm các loại thịt như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, giò lụa, chả, trứng gà, trứng vịt, và các loại rau xanh. Sau khi mua về, bạn nên phân loại và có phương án bảo quản cẩn thận. Như vậy, thực phẩm trong 3 ngày Tết sẽ luôn được tươi ngon.
Vật cúng kiếng và trang trí
Từ ngày 26 âm lịch, người người rộn ràng chuẩn bị vật dụng trang hoàng cho nhà cửa thêm sung túc như hoa dâng hương, hoa kiểng (mai, đào, cúc,...), những câu đối đỏ,...
Người Việt có một truyền thống tốt đẹp, đó là lòng hiếu đễ, chính vì thế trong ngôi nhà luôn dành một nơi trang trọng nhất làm bàn thờ, thờ Phật, thờ ông bà tổ tiên. Trong những ngày xuân, bàn thờ trong gia đình càng trở nên quan trọng. Ông bà xưa thường nói, hãy nhìn vào chiếc bàn thờ giữa nhà để biết gia đình ấy thế nào. Có truyền thống tôn kính tổ tiên, cha ông ra sao, chiếc bàn thờ cũng "nói" nhiều về tấm lòng hiếu kính của con cháu thế nào. Vì lẽ đó, đồ thờ trên bàn thờ cũng được chọn lựa sao cho vừa với khả năng, giữ được nét tôn kính trang nghiêm vừa thể hiện tấm lòng của con cháu.
Các loại đồ uống
Đồ uống trong dịp Tết cũng là thứ không thể thiếu giúp thanh nhiệt, giải độc và giải ngấy trong những ngày "ngập ngụa" với thịt thà, giò chả. Nếu quá bận rộn với công việc hoặc vị trí địa lý không thuận tiện khi cách quá xa chợ, siêu thị thì một trong những cách mua sắm Tết tiết kiệm nhất mà các bà nội trợ nên biết đó là hãy mua các loại đồ uống theo số lượng lớn như lốc, thùng.
Hiện nay, khi cuộc sống ngày càng thuận tiện hơn, cần mua sắm gì, chạy ra chợ, ra siêu thị là có tất cả chỉ trong một nốt nhạc. Tuy nhiên, sắm gì thì sắm, cứ có một danh sách đầy đủ, chu đáo thì bạn không bao giờ phải lo mua thiếu thứ nọ hoặc thừa thứ kia.
Thực phẩm khô
Đã thành quy luật, cứ giáp Tết là các mặt hàng đều rục rịch tăng giá, hàng khô cũng không ngoại lệ. Chị Trần Thị Nhung (Đống Đa- Hà Nội) chia sẻ: “Giáp tết Nguyên đán các mặt hàng ở chợ đều tăng từ 10%-15% so với những ngày bình thường, nên tôi thường mua các thực phẩm khô như: Mộc nhĩ, miến hương, măng khô sớm hơn so với tết Nguyên đán 1 tháng để tiết kiệm chi phí”.
Thực phẩm khô là thành phẩm của các loại trái cây, thịt đã được sấy hoặc phơi cho thoát thành phần nước bên trong. Thực phẩm khô gồm nhiều loại trong đó có loại truyền thống như tôm khô, các loại hạt. Hoặc các sản phẩm phải qua chế biến như củ quả khô, măng khô. Do đã loại bỏ phần lớn lượng nước bên trong nên thực phẩm khô có trọng lượng nhẹ. Giá trị dinh dưỡng cũng thường vượt quá hàm lượng dinh dưỡng ban đầu. Trước Tết khoảng 15 ngày đến 1 tháng, bạn nên mua các loại đồ khô như nấm hương, miến, mộc nhĩ vì đây là những thực phẩm dễ bảo quản. Sau khi mua về, bạn nên phân loại và có phương án bảo quản cẩn thận để tránh hư hỏng, vi khuẩn xâm nhập nhiều nhất.
Sưu tầm